Làm thế nào để tập luyện trở lại một cách an toàn sau COVID-19 ?

Tùy thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thì sức khoẻ của bạn có thể đã bị lùi một bước đáng kể sau khi mắc phải Covid-19.
Do vậy, việc quay trở lại với các hoạt động thể chất sau khi mắc một hoặc nhiều bệnh lý nghiêm trọng sẽ là một quá trình khá khó khăn và có rất nhiều thách thức đối với hầu hết tất cả mọi người. Bạn chỉ muốn cơ thể của mình hoạt động bình thường giống như trước khi mắc bệnh, nhưng thực tế lại tùy thuộc vào thời gian và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lý đã làm thể chất của bạn có một bước lùi đáng kể cả về cả sức mạnh cơ bắp, độ săn chắc và thể lực, cũng như là sức khoẻ tim mạch.
Đặc biệt đối với COVID-19 thì các triệu chứng, thời gian và mức độ nghiêm trọng của nó đối với mỗi người bệnh rất khác nhau. Vì vậy, việc đưa ra một khuyến cáo cho việc tập luyện nói chung là rất khó, nếu không muốn nói là hoàn toàn không khả thi, bởi vì những người mắc COVID-19 có thể có các triệu chứng về hệ cơ xương, tiêu hóa và hô hấp, chưa kể đến tình trạng mệt mỏi bất thường và nhiều vấn đề sức khoẻ cần phải cân nhắc, đặc biệt là về sức khỏe tâm lý đi kèm với thời gian hồi phục tương đối lâu trong điều kiện bị cách ly.
Viện Y học Thể thao thành phố New York gần đây đã công bố hướng dẫn về việc quay trở lại tập thể dục sau khi phục hồi bệnh COVID-19 đối với những người bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là những hướng dẫn này sẽ chỉ đề cập đến 6 lĩnh vực chính và vẫn có khả năng được tiếp tục phát triển mở rộng theo sự hiểu biết của các nhà nghiên cứu khoa học đối với căn bệnh mới này. Ngoài ra, những hướng dẫn này chỉ được áp dụng đối với những bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn, không còn triệu chứng và đã được bác sĩ cho phép tiếp tục quay lại với các hoạt động thể chất.
• Đối với những người có các triệu chứng về đường hô hấp, như viêm phổi
Nghỉ ngơi ít nhất một tuần sau khi các triệu chứng giảm dần, dần dần trở lại hoạt động thể chất và lưu ý đến chất lượng và nhịp thở của bạn.
• Đối với những người có các triệu chứng về tim hoặc các bệnh liên quan đến tim mạch
Nghỉ ngơi từ hai đến ba tuần sau khi hết triệu chứng. Những người bị viêm tim nên đợi từ ba đến sáu tháng trước khi quay trở lại tập thể dục.
• Đối với những người có các triệu chứng về máu hoặc các bệnh liên quan đến máu:
Không nên lười vận động mà hãy bắt đầu với các hoạt động cường độ thấp như đi bộ ngắn, thong thả, vì điều này sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
• Đối với những người có các triệu chứng về tiêu hóa:
Theo dõi lượng nước và lượng calo của bạn khi quay trở lại với các hoạt động thể chất hàng ngày.
• Đối với những người có các triệu chứng cơ xương khớp:
Dần dần trở lại tập thể dục, thực hiện mọi thứ một cách chậm rãi trước khi quay lại với cường độ các bài tập mà bạn đã tập trước khi mắc COVID-19.
• Đối với những người không có triệu chứng:
Từ từ trở lại tập thể dục, với cường độ tập luyện ở khoảng 50% trước khi mắc COVID-19 và hãy chú ý đến cơ thể đề phòng trong trường hợp các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện.
• Hãy cố gắng thực hiện công việc tập luyện một cách chậm rãi
Điều quan trọng là hãy tiếp nhận mọi thứ một cách chậm rãi và lắng nghe cơ thể của bạn và không cố gắng bỏ qua các triệu chứng về bệnh lý với mong muốn nhanh chóng “quay trở lại trạng thái như bình thường” và bạn hãy nhớ rằng, tập thể dục cường độ vừa phải có nghĩa là bất cứ bài tập nào giúp làm tăng nhịp tim của bạn trên mức bình thường đều có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Bạn không cần phải tập luyện quá nặng nhọc mới có thể gặt hái được lợi ích từ các hoạt động thể chất.
Điều quan trọng và cũng hoàn toàn cần thiết là bạn phải lắng nghe các lời khuyên từ bác sĩ của mình. Hãy nhớ rằng bác sĩ sẽ là người biết chi tiết về những gì bạn đã trải qua trong trận chiến với căn bệnh COVID-19, vì vậy lời khuyên của họ nên được tuân thủ theo một cách nghiêm túc nhất.
Một lưu ý cuối cùng: Một trong những yếu tố quan trọng của việc thực hiện các hoạt động thể chất là thiết lập các mục tiêu một cách hợp lý sao cho chúng phải phù hợp với các giá trị và lối sống hiện tại của bạn. Vì vậy, hãy sửa đổi kỳ vọng quá cao và đặt mục tiêu phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bạn ngay bây giờ. Bạn có thể phải bỏ qua một bên các mục tiêu liên quan đến hiệu suất thể thao mà bạn đã đặt ra trong những ngày trước khi mắc COVID-19 và thay thế chúng bằng các mục tiêu bám sát với thực tế hơn sau khi đã mắc phải căn bệnh này. Hãy kiên nhẫn và quan trọng là đối xử tốt với bản thân và với cơ thể vẫn đang trong giai đoạn hồi phục nhé.

nguồn ACE fitness

X