Những nhà hàng, khách sạn của các thương hiệu cao cấp Louis Vuitton, Gucci, Dior, Tiffany & Co…

Các hãng thời trang xa xỉ đang liên tục mở các nhà hàng và khách sạn cao cấp với nhiều đầu bếp nổi tiếng ngay tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ và cửa hàng flagship của mình như một cách thức mới để tìm kiếm sự tương tác nhiều hơn đối với tập khách hàng tiêu dùng xa xỉ. Xu hướng cho những trải nghiệm mới mẻ này đang trở nên rất nóng ở khu vực châu Á nơi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành hàng xa xỉ phẩm nói chung.
Các thương hiệu thời trang cao cấp luôn coi châu Á là chìa khóa cho sự phát triển không ngừng của họ. Trong những năm gần đây, các thương hiệu thời trang xa xỉ đã thử nghiệm nhiều cách để mở rộng sự ảnh hưởng của họ đối với các khách hàng bằng việc ra mắt các ý tưởng mới về mô hình thiết kế khách sạn kết hợp với các hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện có.
Mới gần đây nhất là việc Louis Vuitton ra mắt nhà hàng Le Café V và Sugalabo V vào tháng 2 năm nay, đây là nhà hàng nằm trong cửa hàng flagship mới nhất của thương hiệu nổi tiếng này ở Osaka Nhật Bản. Đầu bếp Yosuke Suga người điều hành bếp chính, là học trò của đầu bếp Joël Robuchon đã từng được trao chứng nhận sao Michelin danh giá, đầu bếp Suga sẽ chỉ phục vụ một số ít khách hàng may mắn được dùng bữa tối ở nhà hàng này và các thực đơn sẽ được sử dụng các nguyên liệu cao cấp có nguồn gốc từ địa phương trong một không gian thân mật và sang trọng với các món ăn kết hợp hài hoà giữa tinh hoa di sản ẩm thực Nhật Bản và nghệ thuật ẩm thực Pháp.

Bên cạnh Sugalabo V là một quán cà phê riêng biệt có tên là Le Café V, nơi đây sẽ chào đón thực khách trong một không gian được sắp xếp các đồ nội thất hàng hiệu như ghế kén Coocon của Campana một siêu phẩm trong bộ sưu tập Objets Nomades của Louis Vuitton. Cùng với sân hiên ngoài trời rộng rãi và quầy bar, Le Café V là địa điểm rất hoàn hảo để khách hàng có thể đến thư giãn và có thêm những trải nghiệm mới lạ thú vị cùng với thương hiệu xa xỉ này ngoài các dòng quần áo và phụ kiện nổi tiếng sẵn có.
“Phong trào các thương hiệu cao cấp liên tục phát triển mở rộng trải nghiệm khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là chiêu thức mới của các nhãn hàng xa xỉ trong việc thay đổi sự ưu tiên của người tiêu dùng” Georgia Fendley, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của Construct, một cơ quan truyền thông đã từng làm việc với nhiều thương hiệu khách sạn và thời trang nổi tiếng cho rằng “Đây có thể được cho là một sự đổi mới mang tính bền vững hơn trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng với thương hiệu và khái niệm về xa xỉ”.

Theo ông Michael Burke, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Louis Vuitton thì đây có thể là một bước tiến của Louis Vuitton trong việc khám phá nền ẩm thực Nhật Bản và đây cũng chắc chắn sẽ không phải là dự án cuối cùng của hãng. Các quán ăn và thậm chí cả khách sạn có thể sẽ là một phần trong chiến lược mở rộng thương hiệu trong tương lai của nhãn hiệu nổi tiếng thế giới này.
Gucci là một thương hiệu khác hoạt động trong lĩnh vực xa xỉ cũng đang chuẩn bị mở một nhà hàng Osteria ở Ginza, Tokyo, do đầu bếp ba sao Michelin Massimo Bottura đứng đầu, sau khi đã từng mở nhiều nhà hàng thành công ở Florence và Los Angeles.
Theo cơ quan tiếp thị kỹ thuật số Info Cubic Japan, Nhật Bản là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai trên thế giới, người mua sắm tại Nhật Bản đã chi 3,6 nghìn tỷ Yên (33 tỷ USD) cho hàng xa xỉ vào năm 2018, điều này đã thúc đẩy các thương hiệu phải liên tục phát triển các chiến lược thu hút khách hàng ngoại tuyến và sáng tạo ra các trải nghiệm mua sắm mới. Ngoài ra, Mordor Intelligence báo cáo có sự tăng vọt gấp ba lần của du lịch trong nước từ năm 2013 đến năm 2018 ở Nhật Bản điều này sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển mạnh ở Nhật Bản.
Thượng Hải mang đến nhiều lựa chọn cho những người Trung Quốc sành điệu mong muốn tìm kiếm cả về khía cạnh thời trang cao cấp lẫn ẩm thực cao cấp. Với dân số có mức thu nhập cao nhất ở Trung Quốc đại lục vào năm ngoái, trung tâm tài chính quốc tế đã chứng kiến nhiều nhà hàng có thương hiệu mọc lên ở đây trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các mô hình khách sạn sang trọng đã có được không thành công ở đó mặc dù thị trường tiềm năng là rất lớn.
Gucci đã gây chú ý vào năm 2015 khi khai trương nhà hàng đầu tiên của mình có tên là 1921 Gucci. Để đáp ứng sở thích cao cấp và riêng tư của những người dân địa phương giàu có tại đây, nhà hàng chỉ dành cho những khách hàng quen đi thang máy riêng bên trong cửa hàng. Mặc dù cũng thu hút được nhiều sự đón nhận tích cực khi mới mở cửa nhưng nhà hàng vẫn phải đóng cửa vài năm sau đó.
Fendley giải thích: “Khách hàng vô cùng tinh tế, họ có thể nhận biết được thế nào là chất lượng cao cấp chính hãng và rất ít người chấp nhận việc các nhãn hàng xa xỉ khai thác thương hiệu một cách hời hợt. “Nếu một thương hiệu xa xỉ ra mắt một nhà hàng mà không có sự giám sát quản lý chặt chẽ và có các dịch vụ cao cấp đặc biệt với những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ, thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ không tiếp tục sử dụng dịch vụ. Trong trường hợp này, tôi cho rằng do thời gian triển khai nhà hàng quá gấp gáp nên kết quả không thực hiện được đúng với chuyên môn của ngành và mô hình không đủ độ sâu để níu kéo khách hàng”.
Theo báo cáo của Mintel’s Full Service Restaurants China 2015, chỉ có 31% người tiêu dùng Trung Quốc đồng ý rằng trải nghiệm của họ đối với một nhà hàng có thể thay thế chất lượng của đồ ăn hoặc thức uống được mang ra phục vụ. Wenxin Xu, nhà phân tích thực phẩm và đồ uống cao cấp tại Mintel giải thích về hành vi người tiêu dùng trong một báo cáo: “Người tiêu dùng đang tích cực tìm kiếm các nhà hàng cao cấp để đáp ứng nhu cầu cải thiện sức khỏe đồng thời thỏa mãn cả vị giác vì họ có xu hướng quan tâm vào giá trị nhiều hơn là quan tâm về giá cả.”
Thương hiệu nổi tiếng Tiffany & Co. cũng đang tiếp tục để mắt đến cơ hội cạnh tranh mang đến cho khách hàng những trải nghiệm nhà hàng, khách sạn mới lạ phong phú để thỏa mãn cơn khát của người tiêu dùng xa xỉ trong thành phố. Tọa lạc tại quận Huaihai danh tiếng, thương hiệu đã mở ra một cửa hàng lớn nhất ở châu Á sau khi cải tạo hoàn toàn lại vào tháng 12 năm 2019. Cửa hàng đầu tiên của nhãn hàng này ở Trung Quốc đại lục là một tòa nhà cao hai tầng cũng là nơi Tiffany Blue Box Cafe nằm ở tầng trên của cửa hàng  được khai trương, nơi đây có một không gian bắt mắt với nhiều món ăn xa xỉ tạo ra nhiều cảm hứng cho thực khách.

“Cửa hàng mới này là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi đối với tập khách hàng của mình ở Trung Quốc,” phó giám đốc điều hành kinh doanh toàn cầu của Tiffany & Co., Philippe Galtié cho biết trong một thông cáo báo chí. “Bằng cách mở rộng cửa hàng cao cấp hàng đầu tại Thượng Hải, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thị trường của mình ở thành phố mang tính toàn cầu này.”
Hòa mình vào sự bùng nổ du lịch trước đại dịch, Seoul cũng đã chứng kiến cách thời trang, giải trí và văn hóa cà phê có thể giúp nâng cao lợi ích đối với nền kinh tế của họ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, giá trị thị trường hàng xa xỉ ở Hàn Quốc đã tăng 20% lên 14,2 nghìn tỷ won (tương đương 12,1 tỷ USD) từ năm 2015 đến 2018.
Hãng Dior đã mở cửa hàng flagship hàng đầu tại Quận Gangnam giàu có vào năm 2015. Đây cũng là cửa hàng Dior lớn nhất thế giới do Christian de Portzamparc thiết kế, nội thất ở bên trong được thiết kế hết sức cầu kì tinh xảo với loại vải bông trắng dệt mềm mại của hãng Couturier. Quán Cafe Dior do Pierre Hermé thiết kế được đặt ở trên tầng cao nhất của cửa hàng. đây là nhà hàng được đánh giá rất cao trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Little Red Book và Dianping, quán cà phê nổi tiếng nhờ thực đơn bánh ngọt có hương vị đậm đà, sáng tạo và tinh tế.
“Cafe Dior mang đến cái nhìn nghệ thuật và sự kết hợp của hai thương hiệu cao cấp bậc thầy lại với nhau. Việc phục vụ bữa trưa cho khách hàng sẽ là sự ưu tiên đối với chúng tôi tại đây và các khách hàng xa xỉ của chúng tôi giờ đây hoàn toàn có thể thưởng thức các món ăn mặn ngoài các món tráng miệng và bánh ngọt trong giờ ăn trưa.” Mathieu Jutau, giám đốc tiếp thị và truyền thông của quán cà phê, cho biết: Thực khách giờ đây đã có nhiều lựa chọn hơn như salad và bánh croque-monsieur nhờ sự phục vụ của các đầu bếp nổi tiếng của nhà hàng.
Mối quan tâm đến các mô hình dịch vụ ăn uống đi kèm với thời trang xa xỉ sẽ không thể suy giảm và các khách hàng sẽ tiếp tục chi tiêu cho các nhà hàng cao cấp để phục vụ đúng theo sở thích và nhu cầu của họ. Trong một thế giới mà cuộc sống hàng ngày thường xuyên được ghi lại trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thì người tiêu dùng sẽ ngày càng tìm kiếm đến các dịch vụ đem lại trải nghiệm cao cấp phong phú và mới lạ để kể về bản thân họ.

                                                                                                                           nguồn SMCP                                             

X