8 vật dụng nhà bếp cần chú ý thay thế để bảo vệ sức khoẻ

Chần chừ trong việc thay thế một số dụng cụ nhà bếp có thể là nguyên nhân gây ra việc lây lan các loại nấm mốc, vi trùng và các mối nguy hiểm khác có hại lâu dài cho sức khỏe của chính bản thân bạn và các thành viên trong gia đình. Do vậy, hãy thường xuyên thay thế 8 món đồ nhà bếp sau đây để bảo vệ sức khỏe của gia đình mình trong quá trình quản lý cân nặng nhé.
1. Máy xay sinh tố
Các loại máy xay sinh tố và thực phẩm dùng để xay các loại trái cây và rau xanh tươi hoặc đông lạnh sẽ rất hiệu quả trong việc bổ sung thêm nguồn chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống của bạn. Tuy nhiên phần đế của các loại máy xay này rất dễ bị nhiễm khuẩn theo thời gian. Do vậy, sau mỗi lần sử dụng thiết bị, bạn hãy tháo rời từng bộ phận của máy xay ra và vệ sinh chúng thật kỹ càng. Bởi vì theo thời gian các loại thức ăn cũ và nấm mốc được tích tụ ở phần đế của máy trong quá trình sử sụng sẽ bay cả ra ngoài lẫn vào bên trong thức ăn của bạn trong lúc bạn sử dụng để chế biến thực phẩm. Do vậy, Nếu bạn đã đầu tư cho mình một chiếc máy xay thực phẩm loại tốt thì hãy nhớ dành chút thời gian để đảm bảo rằng nó luôn được vệ sinh kỹ lưỡng, để máy có thể sử dụng được ở trạng thái tốt nhất trong nhiều năm tiếp theo.
2. Thớt
Các chuyên gia về sức khoẻ cho rằng các loại thớt nhựa hoặc thớt gỗ, đặc biệt là những loại thớt đã sử dụng trong thời gian dài đã trở nên sờn cũ có thể là nguồn gây ô nhiễm thực phẩm. Bởi vì các loại vi rút và vi khuẩn có thể phát triển và ẩn náu trong các rãnh và kẽ nứt của các loại thớt này. Kể cả việc bạn có thường xuyên làm sạch bằng dung dịch xà phòng và nước sạch hay thậm chí sử dụng cả máy rửa bát cũng không thể xử lý được hết. Các tấm thớt nên được thường xuyên cọ rửa bằng bàn chải trong dung dịch tẩy rửa ở nhiệt độ cao và để giảm thiểu sự tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm khác, thớt gỗ nên được niêm phong thường xuyên hoặc bọc bằng loại màng bọc thực phẩm. Bạn hãy lưu ý kiểm tra lại thớt của mình nếu thấy các vết nứt xuất hiện trên thân gỗ trong quá trình nấu ăn hoặc do thớt bị khô thì đây là dấu hiệu cho thấy chúng cần phải được sớm thay thế. Nếu muốn sử dụng thớt được lâu hơn bạn chỉ nên rửa thớt bằng tay và thoa một chút dầu khoáng để giúp tấm gỗ không bị khô, nứt theo thời gian.
3. Khăn lau bát đĩa
Khăn lau là một trong những nơi sinh sản của nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả các loại vi khuẩn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn phát triển rất mạnh khi khăn ở trong tình trạng ẩm ướt và khi khăn được sử dụng đồng thời cho nhiều mục đích khác nhau như vừa lau đồ dụng cụ bếp sau đó lại lau tay hay thậm chí dùng để lau cả bề mặt của bếp. Các chuyên gia khuyến cáo rằng độ ẩm cao trong khăn có thể khuyến khích sự phát triển của các mầm bệnh tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm. Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải thường xuyên làm sạch và tốt nhất thay các khăn lau của bạn một cách thường xuyên. Ngoài ra khăn giấy cũng nên được ưu tiên sử dụng trong nhà bếp cho những trường hợp chỉ cần lau chùi một lần duy nhất.
4. Bình chữa cháy
Một số người vẫn để sẵn bình cứu hỏa trong nhà bếp như một biện pháp phòng ngừa sự cố và đảm bảo an toàn. Bình chữa cháy có thể được nạp lại nếu áp suất bị giảm. Đa số các bình chữa cháy chứa hóa chất khô đều có một đồng hồ đo ở gần van để cho biết thiết bị có đủ áp suất thích hợp để sử dụng hay không. Các hướng dẫn về cách nạp lại bình chữa cháy thường có sẵn ở trên mạng, bạn có thể tìm kiếm các tài liệu này để tham khảo. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang bình cứu hỏa đến sở cứu hỏa ở gần nhà bởi vì hầu hết các trạm cứu hỏa đều có dịch vụ nạp lại bình hoặc bạn cũng có thể mang nó đến nhà sản xuất hoặc đại lý bán bình chữa cháy để được hỗ trợ nạp lại. Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ rằng ngay cả khi ở trong tình trạng hoàn hảo, bình chữa cháy vẫn nên được thay thế 12 năm một lần và nạp lại 6 năm một lần. Kiểm tra đồng hồ đo trên bình chữa cháy định kỳ là một cách đơn giản nhất để xem nó có đang hoạt động tốt hay không. Nếu kim của bình vẫn còn xanh, thì bình của bạn vẫn sử dụng được. Tuy nhiên, nếu nó chuyển sang màu đỏ, thì đã đến lúc bạn nên tìm mua một cái mới.
5. Bàn chải vỉ nướng
Các món nướng luôn gắn liền với các buổi dã ngoại vào mùa hè và đồ nướng cũng là một món ăn ưa thích quanh năm nhất là với những người yêu thích âm thực nướng. Chỉ cần với một chút dầu, gia vị là bạn có thể nướng một bữa ăn ngon miệng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi bạn dùng vỉ nướng càng nhiều thì bàn chải kim loại của bạn càng được dùng thường xuyên do vậy chúng sẽ ở trong tình trạng được bảo quản tốt hơn. Nếu bạn thỉnh thoảng mới dùng vỉ nướng thì hãy luôn nhớ kiểm tra lại những chiếc lông bàn chải kim loại trước khi sử dụng để đảm bảo chúng được gắn chắc chắn với phần đế bàn chải trước khi bạn dùng để làm sạch vỉ nướng, nếu không các mảnh kim loại vụn, rỉ sét có thể rơi vào thức ăn và làm chấn thương cổ họng, dạ dày hoặc ruột của bạn. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên kiểm tra những lông bàn chải và nếu có điều kiện hãy thay bàn chải thường xuyên, tầm vài tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải đã bị bong ra. Bạn cũng thử nghiên cứu tìm mua các loại bàn chải nướng không lông nhé.
6. Chảo chống dính
Nếu bạn muốn nấu ăn mà không cần nhiều dầu mỡ để cắt giảm lượng calo và chất béo nạp vào cơ thể thì các loại xoong, chảo chống dính là những dụng cụ rất hiệu quả. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng các loại chảo này được phủ một lớp hóa chất được gọi là Axit perfluorooctanoic (hoặc PFOA. PFOA) hay còn được gọi là C8, đây là một hóa chất nhân tạo được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon (và các hóa chất tương tự), mặc dù hoá chất này sẽ bị đốt cháy trong quá trình sản xuất và không xuất hiện với hàm lượng đáng kể trong các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ thì PFOA vẫn có khả năng trở thành mối lo ngại về sức khỏe vì nó có thể tồn tại trong môi trường và trong cơ thể con người trong một thời gian dài. Nghiên cứu đã liên kết một loạt các vấn đề tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe với việc tiếp xúc với PFOA trên mức cho phép qua con đường ăn uống, bao gồm cả một số loại bệnh ung thư hay làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của thai nhi trong thời kỳ mang thai hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ và gây dậy thì sớm. Nghiên cứu cũng cho thấy PFOA có liên quan đến việc tăng các nguy cơ như: ung thư (tinh hoàn, gan), tổn thương mô gan, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch lẫn các vấn đề về tuyến giáp và Cholesterol.
Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi bạn nấu ăn ở nhiệt độ thấp, những chiếc chảo bị trầy xước và hư hỏng vẫn có thể tỏa ra những làn khói hóa chất không màu, không mùi. Do đó, bạn nên thay chảo ít nhất 5 năm một lần hoặc sớm hơn. Thường xuyên kiểm tra chảo trong bếp của bạn. Khi chúng đã bị cong vênh, đổi màu hoặc trầy xước thì hãy ngừng sử dụng và thay cái mới.
7. Hộp đựng thực phẩm bằng nhựa
Hộp đựng thực phẩm bằng nhựa rất lý tưởng cho việc chuẩn bị các thực đơn giảm cân, cũng như bảo quản và sử dụng cho nhiều mục đích khác. Tuy nhiên, các hộp đựng thực phẩm loại cũ có thể có chứa Bisphenol A (hay còn gọi là BPA), một chất hóa học được sử dụng trong sản xuất các đồ nhựa. Một số nghiên cứu cho rằng BPA có thể ngấm vào thực phẩm hoặc đồ uống từ các vật đựng được làm bằng BPA trong quá trình sử dụng. Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2020 trên tạp chí JAMA Network, những người có mức nhiễm BPA cao sẽ có nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân cao hơn 49% so với người bình thường. Nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc với BPA có gây ảnh hưởng đến não và tuyến tiền liệt của thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ em và là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường loại 2. Do vậy, để giảm nguy cơ phơi nhiễm BPA, nếu sử dụng sản phẩm hộp nhựa, bạn hãy tìm loại hôp không chứa BPA và tránh đặt hộp nhựa ở những khu vực quá nóng hơn ví dụ như gần lò vi sóng hoặc máy rửa bát (tiếp xúc với nhiệt độ quá cao có thể làm phân hủy nhựa và làm BPA xâm nhập vào thực phẩm của bạn) hoặc tốt nhất bạn nên sử dụng các vật liệu tự nhiên không có BPA như thủy tinh hoặc thép không gỉ. Nếu bạn đã sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa trong nhiều năm, thì nên vứt bỏ chúng đi và mua mới để thay thế. Ngoài ra, trong thời gian sử dụng hãy lưu ý đến những thay đổi về hình dạng của hộp đựng, nắp đậy xem chúng có bị cong vênh, đáy bị ố hoặc có mùi lạ hay không?. Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy hộp đựng nhựa đã cần phải được vứt bỏ.
8. Miếng bọt biển
Miếng bọt biển xốp và ẩm ướt dùng để lau chùi trong nhà bếp cũng là nơi lý tưởng để sinh sản của các loại vi khuẩn. Để thể cải thiện tình trạng này bạn hãy thường xuyên vệ sinh miếng bọt biển bằng cách ngâm chúng vào nước xà phòng nóng hoặc dùng máy rửa bát có chu trình sấy khô hoặc cho chúng vào lò vi sóng trong vòng 1 phút. Để tránh lây lan vi trùng mỗi khi bạn lau rửa bát đĩa, hãy chịu khó thường xuyên thay miếng bọt biển sau 1 đến 2 tuần sử dụng. Một biện pháp phòng ngừa khác cần phải lưu ý áp dụng đó là bạn hãy tránh sử dụng miếng bọt biển cho công việc lau rửa các loại thịt sống ở trong nhà bếp.

Nguồn: Tổng hợp

X